Thứ Hai, 2 tháng 6, 2008

Chiến lược chức năng

Chiến lược chức năng được xây dựng và phát triển nhằm phát huy năng lực, phối hợp các hoạt động khác nhau ở từng bộ phận chức năng, tối đa hoá hiệu suất nguồn lực, cải thiện và nâng cao kết quả hoạt động ở từng bộ phận chức năng để đạt tới những mục tiêu của chiến lược cấp kinh doanh, cũng như cả tổng thể công ty. Chiến lược chức năng sẽ tạo ra năng lực phân biệt, đặc trưng, giúp công ty đạt được các lợi thế cạnh tranh.

Để có được lợi thế cạnh tranh, công ty cần phải phấn đấu hoặc là có được chi phí thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh, hoặc là cần phải khác biệt hoá sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu khách hàng, hoặc là đạt được cả hai điều kiện này.
Lợi thế cạnh tranh được xây dựng dựa trên bốn yếu tố chủ yếu sau:
- Chất lượng tốt hơn
- Hiệu suất và hiệu quả cao hơn
- Đổi mới hơn
- Sẵn sàng đáp ứng khách hàng
(4 yếu tố này cũng là những định hướng chiến lược chủ yếu ở cấp chức năng)
Sơ đồ sau minh họa các yếu tố chủ yếu của lợi thế cạnh tranh cũng như quan hệ của các yếu tố này với lợi thế cạnh tranh:

Chất lượng cao hơn
Hiệu suất và hiệu quả cao hơn
Sẵn sàng đáp ứng khách hàng
Đổi mới hơn
Lợi thế cạnh tranh
Chi phí thấp hơn
Khác biệt hoá

Chất lượng:
Sản phẩm chất lượng là hàng hoá và dịch vụ có độ tin cậy cao trong quá trình sử dụng và có thể thực hiện tốt các chức năng mà nó được thiết kế chế tạo. Như vậy, chất lượng có thể được hiểu là sự phù hợp với mục đích sử dụng hay nhu cầu của khách hàng.

Tác động của chất lượng sản phẩm đến lợi thế cạnh tranh mang tính hai mặt. Thứ nhất, việc cung cấp những sản phẩm chất lượng cao tạo nên uy tín cho thương hiệu những sản phẩm của công ty. Điều này cho phép công ty có thể bán các sản phẩm của mình với giá cao hơn. Chẳng hạn như trong ngành chế tạo ô-tô, các công ty của Nhật Bản như Toyota không chỉ có lợi thế cạnh tranh về chi phí so với các đối thủ cạnh tranh Âu - Mỹ, mà họ còn có khả năng có được mức giá cao hơn do các sản phẩm của họ có chất lượng cao hơn.

Thứ hai, chất lượng cao dẫn đến hiệu suất cao. Chất lượng sản phẩm cao đồng nghĩa với việc giảm bớt thời gian hao phí để chỉnh sửa lỗi và khuyết điểm của sản phẩm cũng như giảm các dịch vụ phụ thêm. Điều này dẫn đến việc giảm tiêu hao nhân lực và tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Hiệu suất và hiệu quả:
Hiệu suất được đo lường bởi mức độ hao tổn các đầu vào cần thiết để sản xuất ra một sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định. Doanh nghiệp có hiệu suất càng cao, mức độ hao phí đầu vào cần thiết để sản xuất ra một đơn vị đầu ra càng thấp. Do đó, hiệu suất giúp công ty đạt được lợi thế cạnh tranh về chi phí. Việc đạt được hiệu suất cao, đồng nghĩa với việc sử dụng tốt nhất các đầu vào trong quá trình sản xuất.
Khi đầu vào là nhân công, chúng ta có khái niệm rất quan trọng phản ánh hiệu suất sử dụng lao động, đó là năng xuất lao động, thường được đo bởi mức sản lượng trên một nhân công hoặc một khoảng thời gian lao động nhất định. Năng suất lao động cao đồng nghĩa với giảm bớt hao tổn thời gian lao động trên mỗi đơn vị sản phẩm, do vậy mang lại lợi thế cạnh tranh về chi phí cho doanh nghiệp.
Hiệu suất (efficiency) và hiệu quả (effectiveness) đều là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của công ty. Theo Peter Drucker, hiệu quả là việc giải quyết đúng công việc và hiệu suất là giải quyết công việc đúng cách[1]. Như vậy, hiệu suất phản ánh những nỗ lực của các bộ phận chức năng trong việc triển khai những hoạt động riêng biệt. Trong hoạt động thường ngày, các nhà quả trị có xu hướng nâng cao hiệu suất hoạt động của đơn vị họ. Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu suất hoạt động của các bộ phận của tổ chức không phải lúc nào cũng dẫn đến việc đạt tới các mục tiêu chung của tổ chức. Khi điều này xảy ra sẽ gây nên sự lãng phí lớn. Vì vậy, xác định đúng đắn các mục tiêu chiến lược dài hạn, làm cho mọi người hiểu được các mục tiêu đó, qua đó hướng các nguồn lực và hoạt động của tổ chức vào việc đạt tới các mục tiêu chung với hiệu suất và hiệu quả cao nhất là điều kiện quan trọng trong việc xây dựng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đổi mới:
Đổi mới được hiểu là bất kỳ cái gì mới, có thể là cách thức vận hành của một công ty hay những sản phẩm mà nó sản xuất ra. Như vậy, đổi mới bao gồm những tiến bộ trong việc phát triển sản phẩm mới, các quy trình sản xuất, hệ thống quản lý, đổi mới cơ cấu tổ chức, và kể cả những chiến lược của công ty.
Đổi mới có thể được coi là yếu tố quan trong nhất trong việc xây dựng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặc dù không phải tất cả mọi sự đổi mới đều thành công, nhưng một khi đã thành công, sẽ trở thành động lực chủ yếu của lợi thế cạnh tranh. Đó là bởi vì những sự đổi mới thành công tạo ra cho công ty những yếu tố độc nhất, những thứ mà các đối thủ cạnh tranh không có (cho đến khi những thứ này bị các đối thủ cạnh tranh bắt chước). Sự độc nhất này làm cho công ty khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và có thể bán sản phẩm của mình với giá cao hơn.
Sẵn sàng đáp ứng khách hàng:
Để có thể sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng, các công ty cần phải cung cấp cho khách hàng đúng những gì họ muốn. Nói cách khác, công ty cần phải làm bất cứ điều gì có thể để nhận biết và thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Như vậy, những nỗ lực để có được chất lượng, hiệu suất và đổi mới hơn chính là những yếu tố giúp đạt được khả năng sẵn sàng đáp ứng khách hàng.
Một yếu tố khác giúp công ty xây dựng lợi thế cạnh tranh là khả năng làm theo yêu cầu của khách hàng (customize). Những khách hàng riêng biệt sẽ được công ty cung cấp những hàng hoá và dịch vụ theo yêu cầu riêng của họ.
Công ty cũng có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình bằng cách tập trung vào việc giảm thiểu thời gian đáp ứng khách hàng, tức là thời gian của quá trình phân phối hoặc tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ, chẳng hạn như tốc độ xử lý đơn đặt hàng.
Ngoài chất lượng, làm theo yêu cầu khách hàng và thời giam đáp ứng khách hàng, công ty có thể nâng cao khả năng sẵn sàng đáp ứng khách hàng bằng các dịch vụ trước, trong và sau bán hàng tốt hơn, thiết kế mẫu mà hàng hoá tốt hơn, …. Tất cả những yếu tố này đều cho phép công ty khác biệt hoá so với các đối thủ cạnh tranh, từ đó xây dựng uy tín và lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu của công ty, giúp công ty có được mức giá tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Không có nhận xét nào: